Đối với máy giặt và tivi, dựa theo chỉ dẫn của nhà chuyên môn, sử dụng hợp lý sẽ tiết kiệm được điện, nước một cách “khiêm tốn” hơn.
Cách tiết kiệm điện khi sử dụng tivi.
Tivi là thiết bị sử dụng thường xuyên trong mỗi gia đình, trung bình hoạt động từ 3 – 4 giờ/ngày. Loại tivi bóng đèn hình 21 – 29 inch, công suất tiêu thụ từ 80 – 125W, tivi LCD 32 – 50 inch công suất từ 125 – 250W và nhiệt lượng toả ra lớn.
Mức độ tiêu thụ điện năng của tivi cũng phụ thuộc vào việc điều chỉnh màn hình bởi độ sáng lớn (brightness), độ tương phản cao (contrast) và màu sắc (colour) đậm thì tiêu hao điện và tuổi thọ tivi giảm. Các loại tivi đời mới đều có chức năng tiết kiệm điện điều chỉnh bằng remote, chức năng này chủ yếu là tính toán sẵn độ sáng, độ tương phản, màu sắc màn hình phù hợp với môi trường xung quanh, giảm lượng điện tiêu thụ cho tivi.
Đối với tivi bóng đèn hình, nhiều gia đình có thói quen “đóng hộp” tivi bằng cách đặt vào một khung tủ vừa khít nên khi xem nhiều giờ liên tục, nhiệt lượng toả không thoát được gây hao điện và tuổi thọ tivi giảm. Khi xem xong tivi nên tắt hẳn hoặc rút nguồn điện, vì lượng điện mà tivi tiêu thụ ở chế độ chờ là không lớn, nhưng thói quen này cũng góp phần tiết kiệm điện.
Một số tivi LCD còn có chức năng quản lý đèn nền (backlight) nên cũng có thể tiết kiệm điện bằng cách giảm độ sáng của hệ thống này xuống.
Cách tiết kiệm nước khi sử dụng máy giặt.
Máy giặt loại 6kg tiêu tốn khoảng 350W điện và 80 lít nước cho một chu kỳ giặt (trong 45 phút). Nhiều gia đình sử dụng máy bơm nước nên lượng điện tiêu thụ hàng tháng sẽ tăng thêm 15% nếu sử dụng máy giặt nhiều. Ngoài ra, các loại máy giặt đời mới đã tăng trọng lượng giặt đồ so với trước đây, thấp nhất là loại 6kg, trung bình 8 – 9kg và lớn từ 10 – 13kg nên lượng điện tiêu thụ sẽ tăng thêm đáng kể do công suất và trọng lượng thay đổi.
Máy giặt hoạt động theo quy trình khép kín, nhưng nếu muốn tiết kiệm điện, nước, rút ngắn thời gian giặt và quần áo sạch hơn thì phải “ngắt” quy trình khép kín này. Người sử dụng phải chịu khó sau lần giặt đầu lấy quần áo ra vắt cho hết nước bẩn rồi mới giặt tiếp vì chế độ xả kế tiếp máy không tự vắt nên chất bẩn khó thoát hết ra bên ngoài. Cách làm này chỉ áp dụng với người có thời gian rảnh và quan tâm tới hoá đơn tiền điện.
Khi giặt nên phân loại quần áo theo từng nhóm vải dày, vải mỏng để kiểm soát được trọng lượng giặt, khi đó máy sẽ chạy êm hơn, đỡ hao điện, nước.
Máy giặt cần đặt ở nơi khô, thoáng và thật bằng phẳng, kiểm tra bằng cách xem điểm tròn đo cân bằng trên nắp máy giặt. Nếu điểm tròn bị lệch tâm sẽ ảnh hưởng nhiều đến chu kỳ giặt đồ. Khi đó quy trình giặt – xả sẽ báo lỗi mất cân bằng không tiếp tục giặt hoặc vắt khô sẽ làm lồng giặt va vào thành máy tạo nên nhiều tiếng ồn… mạch điện và động cơ bị ảnh hưởng, hao điện.
Nhiều gia đình có thói quen giặt đồ ban đêm, đi ngủ để máy tự động chạy, nếu quy trình giặt phát sinh lỗi, máy sẽ tự động khởi động lại hoặc ngắt điện nên giặt không xong quần áo, lãng phí điện – nước.